Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Tại sao sử dụng phân bón qua lá?

1.Tại sao sử dụng phân bón qua lá?
Bón phân qua lá (BPQL) có một vai trò ngày càng gia tăng trong dinh dưỡng cây trồng và đã được nông dân áp dụng từ nhiều năm nay khắp nơi trên thế giới, mặc dù thông tin về lãnh vực này trên các tài liệu khoa học còn hạn chế. Chỉ tới thời gian gần đây, các nhà khoa học mới chú tâm tới và điều này đã được chứng kiến bởi hàng trăm chuyên gia tham dự một hội nghị quốc tế chuyên đề về BPQL.
Tài liệu này nhằm minh chứng sự quan trọng về vai trò của BPQL đối với các chất dinh dưỡng đa lượng trong quá trình hấp thu dinh dưỡng của cây trồng. BPQL đã bị nhìn bằng cặp mắt hoài nghi và xem như một món đồ trang điểm hơn là lợi ích thiết thực trong sự tăng trưởng và phát triển của cây trồng để từ đó nâng cao lợi tức cho nhà nông. Đặc biệt đối với các chất dinh dưỡng đa lượng vì cây trồng cần một lượng lớn trong khi lá cây chỉ có thể đón nhận một lượng tương đối nhỏ so với nhu cầu. Do đó việc áp dụng BPQL để cung cấp các chất dinh dưỡng đa lượng trên thực tế không thông dụng lắm.
Các vấn đề thực tiễn đang tồn tại như tại sao, khi nào và áp dụng cách BPQL ra sao sẽ được trình bày trong tài liệu này.
Bón Phân Qua Lá là một phương pháp rẻ, dễ áp dụng và hiệu quả để gia tăng năng suất và chất lượng nông sản dẫn đến gia tăng lợi nhuận cho nhà nông nếu được áp dụng đúng cách. Sự hiểu biết đầy đủ về BPQL sẽ tránh được các lầm lẫn và sẽ làm cho nông dân thỏa mãn hơn.
Những vấn đề sau đây sẽ được giải thích theo từng phần:
. Bón phân qua lá là gì?
. Cơ chế của sự hấp thu và vận chuyển dinh dưỡng.
. Tại sao xử dụng phương pháp BPQL
. Khi nào thì xử dụng phương pháp BPQL.
. Những đặc điểm của một sản phẩm PBQL tốt.
. Phương pháp BPQL và mức độ áp dụng.
. Những phát triển trong công nghệ PBQL.
. Kết luận.
2. BÓN PHÂN QUA LÁ LÀ GÌ?
Bón phân qua lá là biện pháp phun một hay nhiều chất dinh dưỡng cho cây trồng lên các phần ở phía trên mặt đất của cây (lá, cuống, hoa, trái) với mục đích nâng cao sự hấp thu dinh dưỡng qua các phần trên không của cây trồng.
3. CƠ CHẾ CỦA SỰ HẤP THU VÀ VẬN CHUYỂN CHẤT DINH DƯỠNG QUA BỘ LÁ:
Để hiểu được chức năng của phương pháp BPQL, cần giải thích rõ ràng các quy trình sinh học khác nhau của cơ chế hấp thu qua lá và phân phối dinh dưỡng bên trong cây trồng. Để làm các nhiệm vụ bên trong lá hoặc vận chuyển các chất dinh dưỡng khoáng ra khỏi lá đến các bộ phận khác của cây trồng, một quy trình hấp thu thông qua màng tế bào (plasma membrane), từ các không bào bên trong lá (apoplast) vào bên trong tế bào (symplast) sẽ xảy ra. Theo Romheld và El-Fouly, (1999) sự hấp thu dinh dưỡng qua lá có 5 bước như sau:
3.1 Làm ướt bề mặt lá bằng dung dịch phân bón:
Vách ngoài của những tế bào lá được bao phủ bởi lớp cutin và một lớp sáp có đặc tính chống thấm nước rất mạnh. Để việc hấp thu các chất dinh dưỡng dễ dàng, ta có thể bỏ thêm các chất phụ gia (vào PBQL) để làm giảm sức căng bề mặt.
3.2 Sự thâm nhập xuyên qua lớp biểu bì của vách tế bào:
Khi phun phân bón qua lá lên bề mặt của lá cây, sự hấp thu có thể xảy ra theo ba cách sau đây:
a. Qua các lỗ nhỏ li ti trên bề mặt lớp ngoại bì và vách tế bào.
b. Qua các thủy khổng ở giữa các vách tiếp giáp các tế bào.
c. Qua khí khổng giữa các tế bào bảo vệ.
Theo Eichert et al, (1998), sự xâm nhập của chất lỏng xuyên qua bề mặt có sức căng cao và các khí khổng có thể xảy ra dưới một số các điều kiện. Một trong những điều kiện này là tạo các giọt nhỏ liên kết với sự bốc hơi. Khi sự bốc hơi xảy ra, mức độ xâm nhập đạt cao nhất và sự hấp thu liên tục xảy ra với phần chất rắn còn lại.
Những tác giả này cho rằng (lý thuyết về) những giới hạn vật lý chống lại sự xâm nhập qua khí khổng thì đúng đối với các hạt giọt lớn nhưng có thể không đúng đối với các phần rắn còn lại vì chúng liên kết thành một lớp mỏng trong quá trình bốc hơi nước. Những màng mỏng này thâm nhập vào khí khổng và khích lệ sự trao đổi giữa bên trong và bên ngoài lá cây (Eichert and Kurkhardt, 1999).
3.3 Sự xâm nhập chất dinh dưỡng vào các không bào bên trong lá cây:
Các không bào (apoplast) rất quan trọng để chứa các chất dinh dưỡng trước khi chúng được hấp thu vào bên trong từng tế bào. Các chất dinh dưỡng sẽ vào những không bào này sau khi xâm nhập từ bên ngoài qua lớp biểu bì lá cũng như được hấp thu từ rễ qua các mao mạch trong thân cây.
3.4 Sự hấp thu chất dinh dưỡng vào bên trong tế bào:
Những nguyên tắc chung về việc hấp thu chất dinh dưỡng khoáng từ các không bào vào bên trong từng tế bào lá cũng giống như sự hấp thu từ rễ. Theo đó, tốc độ hấp thu như sau:
a. Những phân tử nhỏ nhanh hơn những phân tử lớn (urea > Fe-Chelates).
b. Những phân tử không mang điện (nối cộng) nhanh hơn các ion tĩnh điện.
c. Những ion hoá trị một nhanh hơn các ions đa hoá trị (H2PO4- > HPO42-)
d. Độ pH của không bào (apoplast) thấp sẽ hấp thu các anions nhanh hơn.
e. Độ pH của không bào (apoplast) cao sẽ hấp thu các cations nhanh hơn.
Khả năng hấp thu của các tế bào lá cây cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại vi như độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng.
Cơ chế tùy thuộc năng lượng để hấp thu dinh dưỡng xuyên qua màng vào bên trong tế bào được môi giới bởi các protein vận chuyển khác nhau như những chất chuyên chức năng chuyển tải hoặc các luồng tĩnh điện với ion H+ ATPasses. Những sự kiện này làm gia tăng lực hấp thu bằng cách tạo nên độ chênh hóa tĩnh điện ở bề mặt màng tế bào.
Sự hấp thu qua các tế bào lá có thể được điều khiển qua tình trạng dinh dưỡng của cây, nhưng đây không phải là quy luật chung mặc dù hiện tượng này đã được khám phá đối với sự hấp thu lân. Việc hấp thu lân qua lá và vận chuyển xuống rễ xảy ra nhanh hơn đối với cây đang thiếu lân.
Bảng 1: Sự hấp thu qua lá và vận hành của lân được theo dõi bằng lân phóng xạ(32P).


Sự hấp thu và vận hành của lân
________________________________________
Đối chứng theo dõi
(không thiếu lân) (thiếu lân)
Hấp thu bởi lá đã xử lý 5.3 9.9
Vận hành ra khỏi lá (đã xử lý) 2.0 6.0
Vận chuyển xuống rễ 0.6 4.4
Theo Clarkson và Scattergood, 1982

Khi áp dụng những chất dinh dưỡng lưu động (mobile nutrients) cho các lá non, lá còn đang phát triển thì sự chuyển dịch xuống rễ chậm hơn, điều này kích thích sự hấp thu dinh dưỡng từ rễ do bộ lá phát triển và quang hợp tốt hơn. Đối với các lá già, lá đã ngưng phát triển thì sự chuyển dịch này xảy ra nhanh hơn và có thể ngăn chận tình trạng thiếu dinh dưỡng gây ra do sự hấp thu không đủ của bộ rễ.
Các chất dinh dưỡng bất động (immobile nutrients) áp dụng trên cả lá già và lá non sẽ chuyển dịch chậm xuống rễ, như vậy không gây nên sự thay đổi nào hoặc có thể làm gia tăng lượng dinh dưỡng hấp thu từ rễ.
3.5 Sự phân bố chất dinh dưỡng trong lá và chuyển dịch chúng ra ngoài:
Sự phân bổ từng chất dinh dưỡng riêng biệt bên trong và chuyển dịch chúng ra ngoài lá sau khi phun phân bón thì tùy thuộc vào từng mô libe và tính cơ động của hệ mao dẫn.
Các chất dinh dưỡng lưu động libe (phloem mobile nutrients) như N, P, K, Mg được phân bố vào mỗi mô mao dẫn cũng như mỗi mô libe bên trong lá cây, và một tỷ lệ lớn các chất dinh dưỡng đã hấp thu sẽ được vận chuyển ra khỏi lá tới các bộ phận khác của cây nơi có nhu cầu cao.
Ngược lại các chất dinh dưỡng có khả năng cơ động libe giới hạn (nutrients with a restricted phloem mobility) như Ca, Cu, Fe, Mn, Zn sẽ được phân bố chính cho mỗi mô mao dẫn bên trong lá cây và không có sự chuyển dịch đáng kể nào ra ngoài.
Riêng đối với Boron, sự lưu chuyển bên trong cây tùy thuộc rất nhiều vào các di truyền gen và là yếu tố quyết định đến hiệu quả của phân bón Boron qua lá.
3.6 Hiệu qủa của phương pháp BPQL:
Theo Brown, 1999, sự hiệu qủa của phương pháp BPQL ảnh hưởng bởi:
a. Lý và hoá tính của phân bón sử dụng.
Sự hấp thu chất dinh dưỡng tùy thuộc vào các anion nối kết. Thí dụ sự hấp thu Zn(NO3)2 cao hơn so với ZnSO4 có thể được giải thích bởi sự kết nối cation-anion (cation-anion symport).
Năm 1999, Burkhardt et al đã thực nghiệm bằng cách nhúng các lá Vicia faba vào dung dịch 1% Zn-nitrate và dung dịch 1% Zn-sulphate thì thấy rằng khi Zn được liên kết với gốc nitrat thì khả năng hấp thu lớn gấp 3.5 lần so với gốc sulphate.
Bảng 2 dưới đây có thể được tham khảo như bảng mẫu tổng quát về tốc độ hấp thu bởi lá cây đối với các chất dinh dưỡng.
Chất dinh dưỡng Thời gian để lá cây hấp thu 50%
N 1 – 6 giờ
P 1 – 5 ngày
K 10 – 24 giờ
Ca 1 – 2 ngày
Mg 2 – 5 giờ
Fe 1 ngày (8%)
Mn 1 – 2 ngày
Zn 1 – 2 ngày
b. Khả năng xâm nhập của chất dinh dưỡng vào bên trong tế bào chất ảnh hưởng bởi chủng giống, loại và tuổi của lá cây, hoá tính của phân bón, vào các điều kiện môi trường như ẩm độ, nhiệt độ, ngày hay đêm, và phương pháp áp dụng.
Thí dụ: Khi ẩm độ cao, sự hấp thu qua lớp cutin sẽ gia tăng vì quá trình hydrat hoá của lớp cutin cao hơn. (Chamel et al, 1991; Van Gardingen va Grace, 1992) và số lượng các khí khổng sẽ mở ra nhiều hơn (Burkhardt et al 1999).
c. Khả năng lưu động bên trong lá cây của các chất dinh dưỡng sử dụng được xác định bởi khả năng cơ động của các mô libe liên hệ, chủng tính và độ già của lá cây và sự bất động của các phần tử hiện diện tại nơi áp dụng phân bón.
4. LÝ DO ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP BPQL:
Trong phần này, những sự kiện chính dẫn đến tình trạng hạn chế hấp thu dinh dưỡng từ bộ rễ và chuyển vận chúng bên trong cây được đề cập, và những giải pháp để ngăn ngừa và khắc phục tình trạng thiếu dinh dưỡng cũng sẽ được trình bày. Đó là cách trả lời cho những câu hỏi “Tại sao”, “Khi nào” thì áp dụng BPQL.
4.1 Những yếu tố giới hạn khả năng hấp thu ở bộ rễ và chuyển vận bên trong cây:
Hiện tượng thiếu dinh dưỡng xảy ra khi khả năng hấp thu của bộ rễ bị giới hạn hoặc bị ngăn cản trong một thời gian, do đó không đủ để cung cấp theo nhu cầu của cây. Những sự kiện liên quan tới vùng rễ có thể kể như sau:
a. Rễ bị tổn thương: Do bị bệnh (tuyến trùng chẳng hạn) hoặc tổn thương cơ học (do xới xáo khi chăm bón làm đứt rễ).
b. Những điều kiện của đất không hữu hảo cho bộ rễ hấp thu dinh dưỡng.
. Chất dinh dưỡng bị bất động hoá do các vi sinh vật.
. Bị cố định do môi trường đất và các chất hữu cơ.
. Sự nhiễm mặn (độ EC quá cao sẽ giới hạn khả năng hấp thụ nước của rễ cây).
. Sự bất động liên hệ tới độ pH (sự oxy hoá gây ra cho các kim loại ở độ pH cao hoặc sự bất động của Mo ở pH thấp).
. Sự bất cân đối dinh dưỡng trong đất (sự đối kháng giữa các ion như K và Ca).
. Thiếu oxy (đất quá ướt).
. Sự hoạt động của rễ thấp (nhiệt độ thấp quanh vùng rễ trong thời kỳ ra hoa và đậu trái).
. Thiếu nước để các chất dinh dưỡng ngấm vào (quá khô).
c. Nhu cầu dinh dưỡng ỡ đỉnh cao: Trong suốt thời kỳ phát triển trái nhanh, nhu cầu dinh dưỡng vượt quá khả năng cung cấp mặc dù đất trồng rất màu mỡ. (Brown, 1999).
d. Bón phân qua lá cũng có thể được chỉ định khi nhu cầu tập trung dinh dưỡng vào các vị trí chuyên biệt bên trong cây vượt quá khả năng phối trí dinh dưỡng bên trong cây.
. Điều này thường xảy ra nhất trong những vùng trọng điểm của các loại trái cây lớn hoặc các chùm đậu và liên quan tới cả hai sự kiện là nhu cầu tập trung cao độ vào một vùng chuyên biệt nhiều nguyên tố trong trái cây như N và K và hệ qủa của khả năng cơ động thấp của các mô libe đối với một số nguyên tố nào đó, như Ca và B chẳng hạn.
. Khả năng cơ động các nguyên tố bên trong cây cũng có thể bị hạn chế nếu hoa phát triển trước lá và do đó dẫn đến tình trạng hạn chế sự chuyển dịch dinh dưỡng trong các mô mao dẫn.
. Trong các thời kỳ hạn hán hoặc ẩm độ không khí cao cũng có thể hạn chế sự chuyển vận trong các mạch mao dẫn và ngăn cản sự phân phối các dưỡng chất bất động bởi các mô libe.
Trong các điều kiện này khi sự hấp thụ dinh dưỡng qua bộ rễ và chuyển dịch chúng bên trong cây không thể thực hiện hoặc bị hạn chế, phương pháp bón phân qua lá có thể là một giải pháp.
4.2 Áp dụng phương pháp BPQL:
Những lý do chính cho việc áp dụng BPQL gồm có:
a. Hiệu chỉnh hiện tượng thiếu dinh dưỡng: BPQL có thể nhanh chóng hiệu chỉnh hiện tượng thiếu dinh dưỡng vì phân bón được phun ngay vào chỗ đang thiếu. Thí dụ hiện tượng thiếu sắt có thể xảy ra khi cây trồng trên nền đất sét (độ pH cao). Phun hợp chất Fe-chelate (Fe-EDTA) có thể giải quyết vấn đề.
b. Ngăn ngừa hiện tượng thiếu dinh dưỡng: Khi phân bón xuống đất không phát huy được hiệu quả đối với một vài nguyên tố nào đó, thí dụ Mn trong vùng đất có độ pH cao, áp dụng PBQL (với Mn) có thể ngăn ngừa được hiện tượng thiếu Mn.
c. Thay thế hoặc bổ sung cho phương pháp bón phân qua rễ: Việc bón phân qua lá có thể phần nào thay thế phân bón qua rễ nhưng không bao giờ có thể thay thế hoàn toàn được. BPQL giúp duy trì sự phát triển và mạnh khỏe của cây trồng và làm gia tăng chất lượng của nông sản vì có thể áp dụng đúng lúc và đúng nơi, hoàn toàn độc lập với các điều kiện về đất đai và nhất là khả năng tác động nhanh của nó.
Sự gia tăng năng suất ngoài mong đợi sau khi áp dụng BPQL là do sự liên hợp dẫn đến hậu qủa gia tăng sự hấp thu dinh dưỡng từ bộ rễ. Sự gia tăng này là do việc BPQL đã tạo nên sự cân bằng các chất dinh dưỡng bị thiếu mà đó lại là yếu tố giới hạn sự quang hợp và sự sản xuất sinh học (Baier và Baierova, 1999). Những nhà nghiên cứu này đã thử phun qua lá một lượng 2.69kg N/ha và 0.96kg Mg/ha trên cây bắp và thấy rằng khả năng hấp thu gia tăng theo thứ tự là 55 kg N/ha và 6Kg Mg/ha so với đối chứng.
d. Gia tăng khả năng chống chịu sự phá hoại của sâu bọ và bệnh: Điều này dễ hiểu vì một cây trồng khỏe mạnh thì ít mẫn cảm với các loài sâu bọ và các loại bịnh hơn.
Một công thức phân bón kết hợp giữa P và K (PK 50-30 và chất phụ gia) đã được khám phá là có các tác dụng làm cho cây cứng cáp và khỏe mạnh hơn, giúp cho cây trồng tạo được khả năng chống lại sự phá hoại của loài nấm mốc sương trên cây bông hồng, cây cà tím và cà chua.
e. Gia tăng khả năng chống lại tuyết lạnh: BPQL có thể làm gia tăng sự tập trung các muối khoáng vào bên trong tế bào, làm hạ điểm đông của tế bào chất.
5. THỜI ĐIỂM ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP BPQL:
Để BPQL phù hợp, nên căn cứ trên những triệu chứng hiển nhiên có thể nhìn thấy theo kinh nghiệm (như thiếu dinh dưỡng) hoặc chẩn đoán dinh dưỡng qua lá.
Các nông gia trồng cây ăn trái ở Bỉ thường lấy lá để phân tích dinh dưỡng hai lần mỗi năm:
. Khi kết thúc đợt nở hoa, lấy lá vào tháng 5 để phân tích N, P, K, Ca, Mg.
. Cuối mùa của những mầm đầu năm khi lá đã phát triển trưởng thành, lấy lá để phân tích N, P, K Ca, Mg, Fe, Mn, Zn, Cu.
Hoàn thành kết quả của cả hai lần phân tích và đưa ra quy trình phân bón cho từng trường hợp cá thể vào cuối tháng 10.
6. NHỮNG TÍNH CHẤT CỦA MỘT SẢN PHẨM PBQL TỐT:
Một sản phẩm PBQL tốt phải có các đặc tính sau:
6.1 Tan hoàn toàn trong nước.
6.2 Độ tinh khiết cao, không chứa các hợp chất độc.
6.3 Hàm lượng ammonia và sulphate thấp.
6.4 Không chứa Clor.
6.5 Khả năng kết tinh dạng kim cương trong ure thấp dưới 0.35%.
6.6 Các kim loại dưới dạng chelate.
6.7 Hàm lượng các gốc muối thấp.
6.8 Có thể dùng chung với thuốc BVTV.
6.9 Nhãn mác phải ghi rõ ràng hàm lượng các chất kết thành.
6.10 Hướng dẫn sử dụng rõ ràng ghi trên nhãn hoặc có chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho người sử dụng bởi nhà sản xuất hoặc đơn vị phân phối về các vấn đề sau:
a. Liều lượng sử dụng (Kg hoặc lít/ha)
b. Số lần sử dụng.
c. Thời kỳ sử dụng trong chu kỳ sinh trưởng của cây trồng.
d. Những hạn chế khi sử dụng (nhiệt độ cao, không dùng ban ngày, cách pha chế...)
e. Địa chỉ liên lạc nếu muốn biết thêm thông tin.
7. LOẠI PHÂN BÓN QUA LÁ VÀ MỨC ĐỘ SỬ DỤNG:
Nói chung những đề xuất về dinh dưỡng trong việc BPQL thường theo các thời kỳ trong quá trình sinh trưởng của cây trồng.
N:
. Áp dụng trong giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng để gia tăng hàm lượng N trong lá cây và các phần khác của cây.
. Ure hoạt động như một chất kích hoạt. Lớp cutin bao phủ bề mặt lá sẽ phồng lên sau khi ure được phun vào, điều này làm cho các loại PBQL khác xâm nhập dễ dàng.
. Nitrate hoạt động như chất khơi mào cho sự hình thành hoa (cây xoài)
P:
. Hoạt động như dưỡng chất khởi đầu cho cây từ giai đoạn mới ươm, kích thích sự phát triển bộ rễ khi chuyển ra trồng.
. Sử dụng trước khi ra hoa cho cây đâm chồi và ra hoa mạnh mẽ.
. Trong giai đoạn hình thành trái sẽ giúp cho trái cứng rắn và kéo dài thời gian trưng bày sau thu hoạch.
. Áp dụng sau thu hoạch đối với các mô hoạt động để bồi hoàn dinh dưỡng cho cây.
K:
. Áp dụng trong giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng để gia tăng sự cứng cáp của cây.
. Trong suốt giai đoạn ra hoa và hình thành trái sẽ làm gia tăng những thông số liên quan tới chất lượng trái (ví dụ: vị, hàm lượng K, nước cốt, hàm lượng vitamin C, hàm lượng các chất rắn hoà tan, , nhiều acid hơn, nhiều đường hơn, ít mẫn cảm hơn đối với các loại bịnh, vỏ trái tốt hơn, màu sắc đẹp hơn, khả năng chống hàn cao hơn, đồng nhất hơn) và số lượng (số lượng nhiều hơn, kích cỡ và trọng lượng trái, củ, hạt lớn hơn, nặng hơn, giảm hiện tượng rụng trái). Quá trình chín của trái bắt đầu sớm hơn và kéo dài được thời gian bày bán ngoài thị trường.
. Áp dụng sau khi thu hoạch vào các mô năng động để bồi hoàn dinh dưỡng cho cây.
Mặc dù có những ngoại lệ không thể bỏ qua, nhưng mức độ áp dụng dưới đây được coi như quy định chung:

Độ đậm đặc 0.5 – 2% ( 0.5 – 2kg/100 lít nước)
Khối lượng Từ 300 – 600 lít/ha cho rau, các vụ mùa trồng trên đồng và bông hoa
Từ 600 - 800 lít/ha cho nho.
Từ 1500 – 3000 lít/ha cho cây ăn trái.
Số lần sử dụng Từ 2 – 5 lần.
Khoảng cách Từ 7 – 14 ngày (có thể đến mỗi tháng một lần)

8. NHỮNG PHÁT TRIỂN CỦA PHƯƠNG PHÁP BPQL
Để gia tăng hiệu quả của phương pháp Bón phân qua lá và hiệu lực của phân bón qua lá, những thành phần phụ trợ được thêm vào phân bón. Những chất này có thể là:
8.1 Chất phụ ích (làm ướt, kết dính, phân bố đều, chất phụ thấm ...)
8.2 Chất kích thích và điều hoà tăng trưởng.
8.3 Acid Humic.
8.4 Các amino acid.
8.5 Chất kích thích sinh học.
8.6 Chất chiết xuất từ rong biển, tảo.
8.7 Chất thay thế các hợp chất chelate (phức hợp hoặc hữu cơ)
8.8 Dạng thức vật lý (tinh thể, huyền phù...)
9. KẾT LUẬN.
Bón Phân Qua Lá, kể cả đối với dinh dưỡng đa lượng và vi lượng, là cần thiết để lạc quan hoá về năng suất, chất lượng dẫn đến gia tăng lợi tức cho nhà nông. Đối với nhiều vụ mùa ở khắp nơi trên thế giới, BPQL đã minh chứng tính hiệu quả tính hiệu lực của nó, do đó nông dân nên được khuyến khích áp dụng phương pháp này kể cả trên các loại cây trồng chưa được khảo nghiệm tới. Tài liệu này nhằm cung cấp những quy luật chung để áp dụng cho đúng phương pháp BPQL đối với các loại cây trồng như vậy./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét